Báo cáo tại Hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện, quyết liệt của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ GTVT, lãnh đạo Bộ GTVT, sự nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động, Cục Hàng hải Việt Nam đã hoàn thành tốt chương trình công tác năm 2017.
Theo đó, công tác xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, đề án được quan tâm, chú trọng, đặc biệt đã hoàn thành 100% văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Hàng hải năm 2015 và đã đảm bảo triển khai đồng bộ khi Bộ luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2017. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt, hiệu quả như việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam và thủ tục điện tử cho tàu thuyền trên Cổng thông tin một của Quốc gia.
“Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường, đã phát hiện và kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện những bất cập, xử lý vi phạm hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hàng hải”, Phó cục trưởng cho biết.
Đồng thời, công tác đối thoại với người dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải được quan tâm triển khai quyết liệt, công tác phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước được trú trọng nâng cao.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, trong năm 2017, Cục Hàng hải VN vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được triển khai tích cực, kịp thời; tuy nhiên, vẫn có những văn bản quy phạm pháp luật phải lùi tiến độ xây dựng. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại một số địa phương chưa đồng bộ, việc kết nối giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ còn bất cập, sự liên kết giữa các loại hình vận tải chưa tốt, vai trò của phương thức vận tải biển chưa được phát huy tương xứng với tiềm năng. Thủ tục về công tác bảo vệ môi trường dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án cũng như công tác bảo đảm an toàn an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường tại vùng nước cảng biển. Công tác giải ngân kinh phí dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải không đạt kế hoạch giao, do thủ tục triển khai chậm…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá cao những kết quả nổi bật Cục hàng hải Việt Nam đã đạt được trong năm. “Năm 2017, vận tải biển tiếp tục tăng trưởng, đạt 130,9 triệu tấn, tăng 6% so với năm 2016. Đặc biệt, chúng ta đã đảm nhận 100% về vận tải nội địa container bằng đường biển. Về container chuẩn bị đạt được số 15 triệu TEU, tăng 14%. Đồng thời cảng nước sâu quốc tế Cái Mép – Thị Vải lần đầu tiên đã đón được tàu trọng tải lên đến 200.000 tấn”, Thứ trưởng nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng chỉ ra thêm những tồn tại ngành hàng hải cần khắc phục sớm như: các đội tàu còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ cấu đội tàu không phù hợp; sản lượng hàng hóa đội tàu đảm nhận còn rất thấp; Chất lượng cảng biển chưa cao, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chi phí cảng biển, chi phí xếp dỡ thấp. Thủ tục về công tác bảo vệ môi trường dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải mất nhiều thời gian; Việc kết nối giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ còn thiếu đồng bộ. Đặc biệt, do xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh về giá cả đã làm cho lợi nhuận thấp, doanh nghiệp và đơn vị liên quan không có khả năng tài chính để thay đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vận tải biển và cảng biển.
Chính vì vậy, sang năm 2018, song song với việc hoàn thành công tác xây dựng, bổ sung, sửa đổi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam cần tiếp tục thực hiện giải pháp giảm chi phí; tổ chức các buổi làm việc với các doanh nghiệp cảng biển, các hiệp hội, doanh nghiệp hàng hóa thống nhất nguyên tắc điều chỉnh lại giá dịch vụ cảng biển theo hướng tăng để đảm bảo lợi ích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện tái cơ cấu và khả năng đổi mới công nghệ.
Cục Hàng hải Việt Nam cũng cần nhanh chóng phối hợp với Vụ Vận tải (Bộ GTVT) làm việc với doanh nghiệp vận tải biển tiến tới sử dụng 100% tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam để vận chuyển các loại hàng hóa còn đang phải nhờ sự tham gia của các tàu nước ngoài như: xi măng rời, khí hóa lỏng,… Ngành hàng hải cần phải nâng cao chất lượng đào tạo thuyền viên, đổi mới chương trình đào tạo, có cơ chế chính sách thu hút người lao động học về lĩnh vực hàng hải. Có như vậy thì hàng hải Việt Nam mới đủ tiềm lực về nhân lực và vật lực để tiếp cận kỹ thuật tiên tiến, đưa các cảng hiện đại như cảng Cái Mép -Thị Vải của Việt Nam tiếp tục là một trong những cảng có tốc độ hàng hóa thông qua lớn top đầu trong các bến cảng trên thế giới.
Tạp chí GTVT